Viêm cột sống dính khớp có chữa được không? Cách điều trị
03/11/2023
Viêm cột sống dính khớp là bệnh xương khớp mãn tính có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người bệnh. Bệnh có chữa khỏi hoàn toàn được không? Tìm hiểu ngay cách điều trị bệnh qua bài viết sau đây!
I. Viêm cột sống dính khớp có chữa được không?
Hiện nay, y học vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn cho bệnh nhân viêm cột sống dính khớp. Mục tiêu điều trị bệnh hướng đến là giảm đau, giảm cứng khớp, làm chậm lại và kiểm soát tối đa biến chứng xuất hiện, nhất là biến chứng biến dạng cột sống. Đa phần bệnh nhân viêm cột sống dính khớp vẫn đạt được mục tiêu điều trị này nếu phát hiện và điều trị sớm trước khi xuất hiện tổn thương không hồi phục.
II. Phương pháp điều trị viêm cột sống dính khớp
Các phương pháp hiện nay được dùng trong điều trị viêm cột sống dính khớp chủ yếu như sau:
1. Điều trị nội khoa
Thuốc vẫn là phương pháp điều trị viêm cột sống dính khớp chủ yếu, có tác dụng giảm đau, giảm viêm, giảm cứng khớp. Thuốc điều trị thường dùng là thuốc chống viêm không Steroid, mặc dù tác dụng nhanh song thuốc có thể gây ra một vài tác dụng phụ không tốt cho đường tiêu hóa.
– Thuốc nhóm NSAID:
Đây là loại thuốc điều trị viêm cột sống dính khớp phổ biến nhất có đau, có thể có hoặc không có cứng khớp. Thuốc sẽ tác động làm giảm tiết chất gây viêm prostaglandin để làm dịu cơn đau, giảm sưng và viêm khớp.
Dù có tác dụng nhanh và hiệu quả song nhóm thuốc NSAID này có thể gây một vài tác dụng phụ nếu lạm dụng. Đầu tiên là về vấn đề tiêu hóa, thuốc nhóm NSAID thường gây các rối loạn như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón,… Nghiêm trọng hơn là loét dạ dày và chảy máu nhưng hiếm gặp, tuy nhiên cần theo dõi phòng ngừa biến chứng tim mạch và huyết áp do sử dụng NSAID điều trị viêm cột sống dính khớp kéo dài.
Thuốc NSAID là thuốc dùng phổ biến nhất trong điều trị viêm cột sống dính khớp
Có thể sử dụng Celecoxib 200 – 400mg/ngày, Meloxicam 7,5 – 15 mg/ngày, Diclofenac 75 mg/ngày hoặc Etoricoxib 60 – 90 mg/ngày.
– Thuốc giảm đau: Nên phối hợp thuốc Paracetamol và các dạng kết hợp theo sơ đồ sử dụng thuốc của WHO.
– Thuốc giãn cơ: Eperisone 50mg/lần dùng 3 lần/ngày hoặc Thiocolchicoside 4mg/lần, 3 lần/ngày.
– Thuốc DMARD cổ điển:
Thông thường khi sử dụng thuốc nhóm NSAID không đạt hiệu quả hoặc không kiểm soát được triệu chứng bệnh, thuốc DMARD thấp khớp tác dụng chậm sẽ được sử dụng. Các loại thuốc thường dùng trong nhóm này như: methotrexate, sulfasalazine,… mang lại hiệu quả điều trị triệu chứng rất tốt, đặc biệt giúp hạn chế tổn thương mô do viêm gây ra.
Một số tác dụng phụ khi sử dụng nhóm thuốc này mà bệnh nhân có thể gặp phải như: đau đầu, buồn nôn, chướng bụng, loét miệng,…
– Thuốc Corticosteroid dạng tiêm:
Corticosteroid tác dụng trực tiếp ức chế hệ miễn dịch và chống viêm nên triệu chứng đau, sưng khớp ở bệnh nhân viêm cột sống dính khớp sẽ được cải thiện nhanh chóng. Nhóm thuốc này thường được sử dụng dạng tiêm tại chỗ để hạn chế tác dụng phụ và đạt hiệu quả nhanh chóng hơn.
Người bệnh thường chỉ gặp phải tình trạng đau sau khi tiêm, viêm nhiễm tại vị trí tiêm không quá nghiêm trọng. Dù tác dụng tốt song thuốc Corticosteroid dạng tiêm không được lạm dụng nhiều, chỉ dùng giới hạn 3 – 4 lần mỗi năm. Hai lần tiêm liên tiếp phải cách nhau vài tháng.
– Thuốc sinh học nhóm DMARD mới:
Đây là dòng thuốc mới, bản chất là các protein tạo ra từ công nghệ sinh học tác dụng lên protein tự nhiên của cơ thể. Thuốc sinh hoạt sẽ giúp hệ miễn dịch ngăn chặn cytokine gây viêm, từ đó giảm đau và triệu chứng bệnh viêm cột sống dính khớp tốt hơn.
Hai nhóm thuốc sinh học được dùng trong điều trị bệnh cột sống này gồm: thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u TNF-alpha inhibitor và thuốc ức chế Interleukin. Dù an toàn hơn các thuốc điều trị khác nhưng thuốc sinh học vẫn gây tác dụng phụ là tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Vì thế bệnh nhân viêm cột sống dính khớp điều trị bằng thuốc sinh học phải theo dõi chặt chẽ và ngăn chặn nhiễm trùng trong suốt quá trình điều trị.
2. Vật lý trị liệu
Phương pháp vật lý trị liệu thường được sử dụng kết hợp để điều trị kéo dài bệnh viêm cột sống dính khớp, mang lại nhiều tác dụng tốt như giảm đau, cải thiện vận động, tăng cường dẻo dai cho xương khớp,…
Vật lý trị liệu cũng được áp dụng trong điều trị viêm cột sống dính khớp
3. Điều trị bằng phẫu thuật
Hầu hết bệnh nhân viêm cột sống dính khớp không cần phải phẫu thuật điều trị và phẫu thuật không thực sự đem lại nhiều kết quả tốt.
Chỉ phẫu thuật khi người bệnh bị đau hoặc tổn thương khớp nghiêm trọng, bắt buộc phải can thiệp phục hồi chấn thương hoặc thay khớp háng nhân tạo.
Tùy vào tình trạng bệnh dựa trên kết quả chẩn đoán, triệu chứng và đáp ứng điều trị mà bác sĩ sẽ cân nhắc chọn phương pháp phù hợp. Vì thế bệnh nhân nên tin tưởng, tuân thủ điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất, kiểm soát được triệu chứng và tiến triển bệnh.
Nếu phát hiện sớm, tuân thủ hướng dẫn với các phương pháp điều trị viêm cột sống dính khớp hiện nay, bệnh nhân vẫn có thể cải thiện triệu chứng và tiến triển bệnh, từ đó đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt nhất. Vì thế khi có dấu hiệu bệnh, cần sớm liên hệ với bác sĩ để thực hiện chẩn đoán, điều trị.
Bài viết liên quan
Huyết áp tâm thu là gì?
13/11/2023
Huyết áp là một trong những thông số đơn giản nhất để đánh giá tình trạng sức khỏe con người. Huyết áp cao hay thấp sẽ khiến chúng ta mệt mỏi, khó chịu thậm chí dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Chỉ số huyết áp gồm có hai thành phần là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Trong đó, chỉ số huyết áp tâm thu thường nhận được sự quan tâm nhiều hơn cả.